Nghề “cày” game thuê
Lâu nay, hệ lụy từ game online đã khiến không ít bạn trẻ phải trả giá đắt, thậm chí đánh mất tương lai. Tuy nhiên, nghề “cày” game thuê đang...
https://moimoingay.blogspot.com/2013/11/nghe-cay-game-thue.html
Lâu nay, hệ lụy từ game online đã khiến không ít bạn trẻ phải trả giá đắt, thậm chí đánh mất tương lai. Tuy nhiên, nghề “cày” game thuê đang được không ít sinh viên, học sinh, những người không nghề nghiệp, thậm chí cả những game thủ thất thế coi đây là công việc kiếm sống...
Từ những kẻ nghiện game
Tại một quán điện tử trên địa bàn quận Long Biên, Nguyễn Tuấn Tú, SN 1991 không ngại ngần cho hay, do mải chơi game nên em bỏ học từ năm lớp 9. Cũng bởi bị thầy cô thường xuyên phàn nàn về tình hình học tập của mình với gia đình nên Tú phải chịu những trận đòn “thừa sống, thiếu chết”.
“Kể từ lúc tự ý bỏ học, em bị bố mẹ cấm cửa, họ bảo không có đứa con “rạch trời rơi xuống” như em, nếu muốn sống thì tự đi kiếm việc mà nuôi thân. Sẵn có “máu” chơi game, lại chẳng có trình độ gì ngoài khả năng “ngồi lì” từ ngày này sang ngày khác với chiếc máy tính, thế là em gia nhập đội “cày” game thuê cho một chủ kinh doanh game online. Đâu phải chỉ có học mới kiếm được tiền”, Tú kể.
Theo tìm hiểu, những dân “cày” game thuê đều là những kẻ nghiện game khá nặng, họ có thể “cắm rễ” từ ngày này qua ngày khác ở các cửa hàng internet với những bữa ăn qua loa chỉ để cầm hơi. Vất vả như vậy nhưng không vì thế mà số lượng người lao vào công việc này ít đi.
Lý giải cho thực tế này, Trần Duy Thịnh ở quận Hoàn Kiếm “bật mí”, nhiều dân “cày” game đã từng là những game thủ có tiếng nhưng thất thế, bởi họ đã đầu tư số tiền “khủng” vào thế giới ảo nên buộc phải “cày” game thuê tạm thời để trả nợ và chờ thời cơ “phục thù”.
Thịnh tâm sự, chật vật lắm cậu ta mới lấy được tấm bằng tốt nghiệp THPT bởi có bao nhiêu thời gian Thịnh đầu tư hết vào các trò game online. Thịnh bảo do không có duyên với con đường học hành nên chẳng đăng ký thi vào ĐH. Và thế là Thịnh chọn con đường trở thành game thủ, giết thời gian trên chiếc máy tính mà không biết tương lai sẽ đi về đâu.
Thịnh giãi bày, với cao thủ chơi game như mình mà phải đi “cày” thuê là việc cực chẳng đã. Nhưng vì muốn kiếm thêm ít tiền để đầu tư cho trò game mà Thịnh theo đuổi nên đành phải làm tạm.
Điều đáng nói là trong số những đối tượng chuyên chơi game thuê, ngoài thành phần chủ yếu là những bạn trẻ “nghiện” game nặng tới mức bỏ học, bỏ gia đình, tương lai mù mịt như Tú và Thịnh thì có không ít người làm công việc này lại là những sinh viên, thậm chí có những em đã ra trường nhưng chưa xin được việc làm.
Hậu quả khôn lường
Dáng vẻ thư sinh, với cặp kính cận, Vũ Văn Hoàng, quê ở Thái Bình, tốt nghiệp ĐH Thương mại trông không có vẻ là người “nghiện” game. Tuy vậy, sẵn bản tính “ham” chơi game và tìm mãi vẫn chưa xin được một công việc hợp với mình, Hoàng đành làm tạm công việc “cày” game thuê cho một chủ cửa hàng kinh doanh internet trên phố Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng để kiếm sống qua ngày.
Ông Trần Văn Thắng- chủ một cửa hàng internet trên phố Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân cho hay, ở đây mỗi “dân cày” sẽ được chủ cửa hàng giao cho một tài khoản game. Công việc là phải nâng khả năng thăng hạng cho các nhân vật trong game Lineage của Hàn Quốc.
Nắm bắt tâm lý ganh đua, ham muốn trang bị vũ khí, đồ đẹp cho nhân vật của các game thủ, các chủ cửa hàng internet sẽ thuê người chơi cho một nhân vật tăng “level” hoặc kiếm các đồ độc, rồi bán thu lời gấp hàng chục lần nhờ thế giới ảo.
Chính vì vậy, nhiều chủ cửa hàng còn tổ chức hẳn một địa điểm để thuê các game thủ “cày” sau đó bán đồ để kinh doanh kiếm lời. Tất nhiên, nếu vi phạm luật chơi người được thuê sẽ bị phạt rất nặng, nhẹ thì bị trừ tiền lương, nặng thì không được lĩnh lương theo tháng, thậm chí còn bị đuổi việc.
Theo Luật sư Nguyễn Tiến Hoà- Đoàn Luật sư TP Hà Nội, các cửa hàng kinh doanh game hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân. Mặc dù, họ có quyền thuê lao động nhưng nếu thuê người lao động dưới 15 tuổi và làm việc quá 18 tiếng/ngày là vi phạm Luật Lao động.
Bên cạnh đó, phần lớn những bạn trẻ được thuê để chơi game thường không được người sử dụng lao động ký hợp đồng. Công việc chủ yếu là do hai bên tự thỏa thuận miệng với nhau, không có giấy tờ, văn bản nào đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trong trường hợp các em làm việc quá sức, suy kiệt sức khoẻ thì chủ cửa hàng cũng không có trách nhiệm. Chưa kể, những tệ nạn xã hội nảy sinh từ các trò game online khiến không ít bạn trẻ đã sa vào vòng lao lý, để lại không ít hệ luỵ cho xã hội.
Do vậy, gia đình, nhà trường nên quan tâm, giúp đỡ định hướng cho các em, đừng để sự buông lỏng quản lý, cũng như sự bỏ mặc của người lớn khiến các em đánh mất tương lai. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra, xử lý triệt để hành vi vi phạm pháp luật của các chủ kinh doanh internet, tránh những hậu quả khôn lường phát sinh từ đây.