Những thói hư tật xấu của người Hà Nội
Bài viết của một bạn đọc, đây là ý kiến chia sẻ riêng chúng tôi trích dẩn bài viết để bạn đọc cùng suy ngẫm Những thói hư tật xấu của người...
https://moimoingay.blogspot.com/2013/11/nhung-thoi-hu-tat-xau-cua-nguoi-ha-noi.html
Bài viết của một bạn đọc, đây là ý kiến chia sẻ riêng chúng tôi trích dẩn bài viết để bạn đọc cùng suy ngẫm
Những thói hư tật xấu của người Hà Nội:
1. Cung cách phục vụ/dịch vụ: Không biết những người làm du lịch và văn hóa Hà Nội nghĩ gì, nhưng đây có lẽ là thứ tạo cảm giác khó chịu nhất, ác cảm nhất cho khách đến Hà Nội, đặc biệt đối với khách ở miền Nam ra. Cung cách phục vụ/đón tiếp của những người làm dịch vụ tại Hà nội có lẽ là tàn dư của văn hóa bao cấp, thứ văn hóa kinh doanh mà ở đó người bán hàng có vai trò như 1 loại “phụ huynh”, “lãnh đạo” đối với người mua. Khách hàng – người bỏ tiền ra không nhận được một sự tôn trọng xứng đáng. Người ta có thể bào chữa cho phở, bia xếp hàng, cháo chửi, miến quát như một “nét-văn-hóa-không-ai-hiểu-nổi” rất riêng của Hà Nội, tuy nhiên còn trăm nghìn thứ khác mà phong cách phục vụ của “dân Hà nội” đáng làm nản lòng và thất vọng cho bất kỳ người yêu Hà Nội nào. Khách đến nhiều cửa hàng quán ăn thì tự lo tìm chỗ để xe, dựng xe; để không khéo còn bị chủ hàng mắc cho. Nhân viên phục vụ cũng như bà chủ sẵn sàng lờ tịt đi hoặc nhìn khinh khỉnh một ông khách vì sốt ruột gọi hơi nhiều một tí, ra điều “Gọi gì mà lắm thế, đừng tưởng có tiền mà to còi. Đây không cần tiền!”. Khách không mua hàng mà không “trả một câu” thì hồn vía ba bảy đời khéo bị đốt sạch, còn bị chửi cho đến khi sang đến phố khác. Đỗ xe trước vỉa hè mà không mua hàng thì 1 phút cũng không được (cho dù là đón con đi học)… Những chuyện như thế này thì nói cả ngày không hết.
2. Kèn cựa: Nhà xây thì thềm phải cao hơn nhà hàng xóm một ít, cửa phải rộng hơn một tí, không cần đến mỹ quan chung làm gì. Hả hê khi đuổi được xe rác sang đỗ trước nhà hàng xóm chứ không phải cửa nhà mình. Đi đường tạt đầu ô-tô hoặc len được bánh xe lên hàng trước chờ đèn đỏ cũng lấy thế làm đắc thắng. Hai nhà mà cùng bán một loại hàng cạnh nhau thì đoàn kết là một thứ xa xỉ. Hai nhà ghét nhau, một nhà mua được cái xe ôtô mới mà sơ sểnh thì thể nào cũng bị cào sơn bằng chìa khóa hay đổ keo con voi vào gương. Con nhà ấy học khá thật nhưng chơi bời lắm, khéo nghiện. Cái cây nhà mày trồng chìa sang nhà tao, có chặt không thì bảo… Dường như dân Hà nội thiếu cái hào sảng, phóng khoáng, rộng lượng. Có lẽ là do tính cách bị hình thành từ cuộc sống chen chúc, động chạm, tranh giành nhau từng tí ngõ, mẩu tường… trong những con phố, ngõ chật chội, tối tăm mà vẫn khoác áo “phố cổ”.
3. Sĩ diện hão/rởm: Nhiều người sẵn sàng dốc hết vốn liếng, thậm chí vay mượn chỉ để mua một cái điện thoại đời mới chỉ để ve vuốt và đeo ở thắt lưng chứ không để gọi. Xe máy ngoài đường tìm đỏ mắt không thấy xe cũ, kể cả xe ôm. Nhà cửa ở vô cùng chật chội, chen chúc nhưng phải có xe máy đời mới và ô-tô để ra đường cho bằng thiên hạ. Chính vì vậy xe máy và ô-tô ở Hà Nội được coi là tài sản và trang sức nhiều hơn bản chất của nó là phương tiện. Sính bằng cấp, lao vào học phổ cập thạc sĩ tiến sĩ mặc dù biết tốn tiền, tốn thời gian, tốn công sức mà chẳng thu được tí kiến thức nào sau khi học và cũng chẳng có ích gì cho đời. Chấp nhận làm việc (nhưng không có việc làm) ở cơ quan vụ này viện kia với đồng lương bèo bọt để mỗi sáng cắp cặp đến cơ quan hút thuốc tán vặt chứ không chịu “hạ mình” chạy xe đưa hàng. Có lẽ đây là lý do nhiều công ty hay nhà hàng tuyển người bán hàng hay phục vụ từ phía Nam ra. Có lẽ người Hà Nội luôn coi nghề phục vụ là thấp kém (cỡ mình phải viện sĩ, vụ sĩ, cục sĩ… cơ mà), trong khi đầu óc lúc nào cũng phải đau đáu chuyện tiền nong. “Cốt cách” kiểu này lạ thật!
4. Con ông cháu cha, coi thường pháp luật: Tôi đã đi khá nhiều tỉnh thành cả nước. Tuy nhiên điều đáng buồn là nhận thấy sự bất tuân pháp luật – đặc biệt là luật giao thông ở Hà Nội bị vi phạm một cách rất thản nhiên. Thanh niên chở 3 vượt đèn đỏ và quay lại vẫy chào cảnh sát giao thông. Người không đội mũ bảo hiểm trên đường phố Hà Nội nhiều không đếm xuể và có thể gặp trên bất kỳ con đường nào. Phụ huynh đỗ xe giữa đường chờ con đi học (văn hóa) về và sẵn sàng chở con đi ngược chiều để về cho nhanh. Tỷ lệ cảnh sát giao thông “được” leo lên nóc capo ôtô nhiều nhất nước trong khi người vi phạm sẵn sàng phanh ngực chỉ tay: “mày có biết bố mày là ai không?”. Cứ kiểu này chắc Bộ Công an phải tìm cách luân chuyển cảnh sát giao thông: Cho cảnh sát tỉnh khác đến làm nghĩa vụ ở Hà Nội một thời gian rồi lại chuyển!
5. Hành xử kém văn minh: Sẽ là một vấn đề không nhỏ nếu xảy ra va quẹt giao thông trên đường phố Hà Nội. Ngay cả khi chưa xảy ra va quẹt, tâm lý phản kháng đã trỗi dậy và người ta đã sẵn sàng “xù lông, giương vây”, mắng phủ đầu, mắt gườm gườm để chuẩn bị cho cuộc phân định mày sai nhiều tao sai ít. Rất hiếm khi nhìn thấy hình ảnh xe ô-tô dừng lại nhường đường cho người đi bộ hay va chạm xe máy mà hai người cùng xin lỗi, hỏi nhau có sao không rồi cười xòa đi tiếp. Ném rác ra đường rồi mắng người nhắc nhở là thằng rỗi hơi. Đi xe máy sẵn sàng quay đầu nhổ toẹt một cái mà không cần biết người đi sau thế nào. Ôtô chở con đi học đậu kềnh càng ngay dưới biển cấm mà không thèm đếm xỉa dòng người đang ùn lại. Ra đường nghe chửi bậy nói to nhiều vô kể…
6. Khệnh khạng, khệnh khạng kinh khủng: Cái này chắc xuất phát từ vị trí trung tâm, nhiều cơ quan bộ ngành trung ương mà các tỉnh vẫn phải về cậy nhờ, báo cáo, xin xỏ… Dường như ai cũng tỏ ra quen biết hay họ hàng với một ông ở bộ này bộ kia hay tận trung ương, lúc nào cũng bấm máy nói chuyện hoặc gọi ra bàn uống rượu được. Thích nói chuyện sắp xếp nhân sự hay bầu bán cho mỗi kỳ đại hội, hạ ông này xuống đưa ông kia lên. Chuyên viên ở Bộ oai hơn lãnh đạo đơn vị. Ai ai cũng có thể đưa ra lời dặn dụ: “Các chú phải thế này, thế kia” hay “Để tao nói cho thằng ấy 1 tiếng”… và nhiều nhiều nữa.
Sau khi đọc những dòng này, chắc chắn nhiều người sẽ nói: Những thói tật nói trên không phải là đại diện cho tính cách Hà Nội mà chỉ tồn tại trong một số nhỏ, không phải người Hà Nội. Hoặc là ở đâu cũng có, chẳng cứ gì Hà Nội. Nhưng xin thưa: Người Hà Nội cả đấy. Người trong khu phố cổ cũng có, khu tập thể mới cũng có. Công chức cũng có, dân kinh doanh cũng có. Học sinh sinh viên và lao động phổ thông cũng có… Và nhìn tính xấu nào cũng cảm thấy mình cũng có một ít trong đó. Đành rằng ở đâu cũng có người này người kia nhưng người ta không vỗ ngực là người Hà Nội để chê kẻ khác là “đồ nhà quê”. Hà Nội là đàng hoàng là Thủ đô, là trung tâm của đất nước, là biểu tượng của văn minh, là nơi tập trung mọi tinh túy chính trị-văn hóa-xã hội. Những nét đẹp của người Hà Nội đã và đang được xem là chuẩn mực, làm gương cho người nơi khác. Chính vì thế những tính cách xấu của người Hà Nội đương nhiên dễ làm người ta sốc hoặc ngỡ ngàng, gây những ấn tượng cực xấu hoặc rất phản cảm, đặc biệt đối với những người từ xa đến. Hơn nữa, chính thế nên Hà Nội dẫu có đóng thuế cao, thủ tục hành chính nhiều thêm, nhập hộ khẩu khó khăn hơn hay chịu phạt vi phạm giao thông gấp đôi, thuế trước bạ gấp ba… âu cũng là lẽ công bằng!
(Bạn đọc Noo Thảo Hân)